Wednesday, March 30, 2016

BÉ BẮT ĐẦU ĂN DẶM: NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN VÀ QUAN TRỌNG


Khuyến cáo hiện nay là bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi. 
Tần suất cho ăn dặm sẽ tùy theo phát triển vận động của bé: 
• Khi bé ngồi cần hỗ trợ hay ngồi tự mình được: bắt đầu bằng 1 lần/ngày, sau đó từ từ tăng lên đến 2-3 lần/ngày
• Khi bé bò được: cho ăn dặm 3-4 lần/ngày
• Khi bé đi được: lý tưởng là 3 bữa chính và 2 bữa phụ.
Một số nguyên tắc cơ bản: 
• Bắt đầu là giới thiệu từng vị thức ăn một cho trẻ! Cho trẻ ăn một loại thức ăn trong một lần ăn.

• Ăn theo nhu cầu – chỉ cho ăn hoặc đút khi trẻ háo hức, tự hả miệng ăn, NGƯNG CHO ĂN ngay khi trẻ quay đầu, lắc đầu, đẩy thức ăn ra!
• Một loại thức ăn giới thiệu trong 2-3 ngày liên tiếp, để tăng sự chấp nhận và ghi nhớ của trẻ. 
• Khi đã giới thiệu từng loại thức ăn riêng lẻ xong, và thành công, thì mới nên bắt đầu trộn các thành phần thức ăn với nhau. 
• Không thêm đường, chất ngọt, hoặc muối vào thức ăn
• Không nên dùng thức ăn đóng hộp sẵn, mặc dù cũng có nhiều dinh dưỡng, nhưng chúng thường là những hỗn hợp thức ăn, vị giống giống nhau, nên khi dùng quá thường xuyên có thể làm cho trẻ khó chấp nhận thức ăn riêng biệt hoặc khác biệt khác. 
• Để tiện cho ba mẹ, các bạn có thể sau khi chế biến thức ăn lượng nhiều, bỏ đông vào khay làm đá, sau đó lấy cục thức ăn đông, trữ vào những túi đựng thức ăn đóng kín, ghi ngày chế biến, để vào một ngăn riêng của tủ đông (đừng để chung với thịt, cá....), và có thể trữ tối đa trong 3 tháng. Nếu để trong ngăn lạnh, thức ăn chỉ giữ được trong tối đa 24 giờ.
Từ 6 tháng – 8 tháng tuổi: 
• Cho ăn dặm sau khi bú mẹ, bú bình
• Lựa các thức ăn giàu chất sắt cho trẻ
• Ban đầu nên bắt đầu với thức ăn nhuyễn – nghiền nhuyễn, hoặc dằm nhuyễn như: 
• cháo mềm, nhuyễn
• rau củ: nấu mềm, bỏ vỏ, dằm nhuyễn, hoặc nghiền nhuyễn. Vd: khoai tây, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, các loại đậu
• Trái cây: vd: nấu táo, lê, đào mềm, nghiền nhuyễn; dằm nhuyễn chuối, đu đủ, bơ
• Thịt: nấu chín, nghiền hoặc rây nhuyễn – như: thịt bò, heo, cừu, gà
• Tập cho trẻ uống nước nấu chín trong ly. 
• Bắt đầu bằng lượng rất nhỏ, khoảng ½ muỗng trà (teaspoon) – tức khoảng 2.5ml, sau đó tăng dần lên khoảng 30ml-60ml thức ăn dặm một lần ăn.
Từ 8 tháng-9 tháng tuổi: 
• Ăn dặm TRƯỚC KHI bú mẹ/bú bình
• Tiếp tục cho bú mẹ, bú bình theo nhu cầu (trung bình khoảng 90-100ml/kg/ngày)
• Cho ăn ngũ cốc dạng thô hơn
• Rau củ: nấu chín, dằm thô, lợn cợn
• Trái cây: cho đủ loại, bóc vỏ, lấy hạt (trừ thăng long ;))
• Thịt: tiếp tục cho ăn các loại thịt, thêm vào cá và lòng đỏ trứng
• Nhớ cho uống nước trong ly
• Ngưng nghiền nhuyễn thức ăn, tập cho trẻ quen nhiều dạng thức ăn mềm, cứng, và tập cho trẻ nhai – ngay cả khi trẻ chưa có răng, trẻ có thể nhai bằng lợi. Nghiền nhuyễn thức ăn kéo dài sẽ làm cho trẻ khó ăn về sau. 
• Cho ăn khoảng 30ml đến 120ml thức ăn/lần ăn (2 tablespoons đến 1 cup thức ăn chuẩn). Tập tăng lên 3 lần cho ăn/ngày
Từ 9 tháng tuổi: 
• Giai đoạn này, trẻ đã nắm tốt, đưa thức ăn vào miệng tốt. Thức ăn nên có dạng miếng, cục, hoặc dạng ngón tay.
• Trẻ nên được cho ăn thức ăn giống với gia đình, và ăn các thức ăn dạng ngón tay (finger food), tự cầm, tự đút ăn
• Sữa vẫn bú/uống theo nhu cầu, sữa công thức khoảng 600-800ml/ngày
• Ngũ cốc: tất cả các loại, các dạng khác nhau
• Rau củ: tất cả các loại rau củ, có thể thử một số rau củ sống 
• Trái cây: tất cả các loại trái cây, bỏ da dày, bỏ hạt, cắt miếng
• Thịt: bỏ da, bỏ sụn, bỏ xương
• Có thể thử các sản phẩm làm từ sữa bò, như: sữa chua, phô mai các loại, các loại tráng miệng làm với sữa tiệt trùng. Sữa bò tiệt trùng chỉ nên bắt đầu sau 1 tuổi. 
• Cho ăn 3 bữa chính, 1-2 bữa phụ. Mỗi bữa chính cho khoảng 180ml thức ăn (hoặc 1.5 cup)
P/S: đối với các bạn cho con ăn theo BLW, nên chú ý khả năng tự ăn của con, nếu con nằm trong số 1/3 trẻ không tự ăn hiệu quả được ở 6-8 tháng tuổi, nên linh động hỗ trợ đút con ăn theo nhu cầu nhé!
Bs. Huyên Thảo.
Nguồn tham khảo: 

A healthy start in life; Chapter 4: Introduction to solids; Queensland Health; Queensland Government, Australia.

No comments:

Post a Comment